Nhức nhối chợ biển số và phụ tùng "luộc"

Có rất nhiều tài xế ở TP HCM đã phải cay đắng tìm tới khu chợ Dân Sinh (phường Cầu Ông Lãnh, quận 1) để đi mua lại biển số và phụ tùng xe của…chính mình.

Kinh nghiệm đi mua biển số của…chính mình

Anh Vinh, một tài xế của hãng Vinasun kể, có lần xe của anh bị tháo trộm mất biển số. Anh rất lo vì thủ tục xin cấp lại biển số phải mất một tuần đến 10 ngày. May có bạn đồng nghiệp “mách nước”: qua chợ Dân Sinh dò hỏi thử. Anh Vinh làm theo. Qua những “cò” lang thang ở chợ, anh tìm được biển số xe của mình trong một tiệm bán phụ tùng ô tô. Ngạc nhiên, anh được chủ tiệm giải thích, “biển số bị rớt, anh em lượm được mang đến bán phế liệu”. Cuối cùng anh Vinh đã phải bỏ 1,5 triệu đồng để mua lại biển số của mình. 

Theo kinh nghiệm trong việc mua lại biển số xe của chính mình, khổ chủ đừng nên tiết lộ biển số đó gắn cho xe loại nào, vì xe càng xịn, giá bán càng bị “hét” cao. 

Ngoài biển số, tại khu chợ này có thể mua được hàng loạt phụ tùng khác như gạt nước, kính chiếu hậu, nẹp ngang xe… vốn là những thứ dễ “vặt”. Giá bán của những món đồ này tùy vào mức độ mới, cũ hay khả năng “nắn gân” người mua, thường bằng 50% - 70% so với giá mua mới. Tuy nhiên, cánh tài xế vẫn thích mua loại đồ cũ vì cho rằng đây là đồ “xịn”, đồ chính hãng. 

Ngoài chợ Dân Sinh, giới buôn bán, sửa chữa xe máy ở TP HCM và các tỉnh vùng ven còn biết tới những khu chợ đồ “luộc” nổi tiếng ở TP HCM. Chẳng hạn dọc đường Bùi Hữu Nghĩa, phía sau chợ Bà Chiểu (Bình Thạnh) vốn được biết đến với tốc độ “luộc” đồ nhanh đến kinh hoàng. Đối tượng hoạt động bằng cách mượn xe máy của người quen, thường là những loại xe đắt tiền, rồi chạy đến tiệm sửa chữa, thay thế phụ tùng ở đây. Chủ hàng nghiên cứu nhanh xem “luộc” được những gì, bắt đầu từ phụ tùng dễ tháo lắp như buzi, phuộc, đèn, còi… đến những linh kiện khó kiếm bên trong máy. Đảm bảo trong khoảng thời gian chừng một giờ đồng hồ là xong mà chủ xe không hề hay biết, nghi ngờ gì. 

Hết “luộc đồ, lại đến lắp đồ “nhái” 

Cường, một thợ sửa xe lâu năm tại đường Bùi Hữu Nghĩa, cho biết, số tiệm chịu “luộc” đồ hiện không còn nhiều, vì càng ngày lãi càng ít và khách cũng rất cảnh giác. Do đó, các chủ tiệm tìm nguồn hàng mới từ khu chợ Tạ Uyên (quận 5) là chính. Hàng ở đây đa dạng, giá rẻ, không là hàng chính hãng, chất lượng tệ nên thời gian sử dụng ngắn, để các tiệm có “công ăn việc làm” thường xuyên hơn. 

Chợ bán đồ xe máy nằm sâu trong đường Tạ Uyên thực ra là nơi quy tụ những chủ tiệm buôn bán phụ tùng xe gắn máy san sát trên bốn con đường Tân Thành, Đỗ Ngọc Thạnh, Tân Hưng, Phạm Hữu Trí. Đây đúng là “vương quốc” của linh kiện xe máy. Có thể tìm thấy ở đây ngay cả những hàng khó kiếm của các hãng khó tính như Suzuki, Yamaha, Piagio…, mới có, cũ có. Nguồn hàng tại đây phân phối cho hầu hết các tiệm sửa chữa trong thành phố và các tỉnh phía Nam. 

Xuất xứ của các loại hàng hóa trong chợ được Minh “trớn”, nhân viên tiệm Hai Thành, cho biết, hàng cũ mua từ các tiệm sửa xe “luộc” có, hàng nhập khẩu từ Trung Quốc cũng có, còn lại đa phần là “hàng Chợ Lớn” (cách gọi những phụ tùng xe máy được sản xuất tại các xưởng tại khu vực Chợ Lớn hay các quận, huyện ngoại thành). Theo Minh, do giá chỉ bằng 1/3 hàng chính hãng, nhìn bề ngoài không khác hàng chính hãng là mấy, nên ngày nào lượng tiêu thụ tại chợ cũng là con số khổng lồ.
 
Theo Đất Việt

Viết bình luận



Security code
Chọn mã bảo vệ khác

Tin mới hơn
Tin cũ hơn

Bán xe trả góp - hỗ trợ vay vốn ngân hàng - lãi suất thấp

acbagribankdongabankbidvvietcombankhdbankvietinbanktechcombank